Đáng báo động là tật khúc xạ đang có chiều hướng gia tăng đột biến, lan rộng từ thành thị sang cả khu vực nông thôn. Trong khi đó, bản thân học sinh, phụ huynh lại khá mơ hồ về bệnh lý học đường nguy hiểm này.
Cận thị - sợ không dám nói
Thống kê của BV Mắt T.Ư cho thấy, cả nước hiện có khoảng 3 triệu trẻ em mắc các tật khúc xạ cần được chỉnh kính. Tỉ lệ học sinh (HS) mắc tật khúc xạ tập trung nhiều ở những thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, khoảng 35% đến 40%. Trong đó cận thị chiếm đến 2/3 các tật khúc xạ.
Trẻ cận thị nặng có thể gây ra các biến chứng như lác, rách võng mạc, bong võng mạc, bong dịch kính, xuất huyết dịch kính... dẫn tới mù lòa. Tuy nhiên, điều đáng lo là nhiều HS, nhất là các em bậc tiểu học do sợ bị “ăn mắng” nên dù thị lực rất kém cũng không dám nói cho bố mẹ biết, chỉ đến khi nhà trường có thông báo thì phụ huynh mới giật mình.
Cô Phạm Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dương Quang (Gia Lâm, HN) - cho biết: “Khám sàng lọc tại trường đã phát hiện 40 em mắc các tật thị lực, nhưng hầu hết các em đều “giấu bệnh” không dám nói cho bố mẹ biết vì sợ bị mắng. Lại có những em phát hiện cận 1,5 điốp nhưng không chịu đeo kính do ngượng với bạn bè, hàng xóm. Giáo viên dù có xếp các em ngồi học bàn đầu tiên, các em cũng kêu “mù tịt” không thấy chữ”.
ThS Vũ Thị Thanh - Giám đốc BV Mắt Hà Nội - cảnh báo một thực trạng đáng lo ngại là tật khúc xạ có chiều hướng gia tăng đột biến trong thời gian gần đây. “Khảo sát cho thấy, số HS tại Hà Nội và TPHCM mắc tật cận thị ngày càng nhiều, có nơi tỉ lệ cận thị lên tới 60-70%, đặc biệt là HS ở các trường điểm, trường chuyên lớp chọn. HS ngoại thành dù tỉ lệ cận thị ít hơn nhưng cũng đang có xu hướng gia tăng. Cá biệt có HS bị dị tật bẩm sinh mắt nhưng phụ huynh không hay biết, trong khi nếu cha mẹ quan tâm can thiệp sớm sẽ giúp tăng thị lực cho trẻ, giảm gánh nặng xã hội” - bà Thanh nói.
Lý giải nguyên nhân cận thị học đường ngày càng gia tăng, ThS Thanh cho rằng: “Áp lực học hành là một trong những nguyên nhân khiến số trẻ mắc tật cận thị tăng vọt. Yếu tố di truyền tuy có nhưng chỉ đóng vai trò rất nhỏ, khoảng 3%. Giới khoa học đã chỉ ra rằng, con người cần tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên bên ngoài từ 2-3 giờ/ngày để ngăn chặn nguy cơ cận thị. Tại các quốc gia khác, trẻ thường xuyên được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên nhưng ở VN, trẻ phải dành quá nhiều giờ trong ngày để học tại trường và làm bài tập ở nhà khiến mắt hoạt động căng thẳng”.
Trẻ dưới 10 tuổi: Mắt còn khả năng phục hồi
Nheo mắt khi nhìn xa, khi nhìn lên bảng hoặc xem vô tuyến luôn mỏi nhức mắt, thậm chí có những trẻ đi học nhìn bảng không rõ phải nhờ bạn đọc hộ... là những biểu hiện rõ nhất cho thấy mắt trẻ có vấn đề. Điều đáng lo là nhiều gia đình chưa quan tâm đến bảo vệ mắt cho trẻ, vì vậy nguy cơ không thể hồi phục mắt sẽ rất cao, nhất là trẻ từ 15 tuổi trở lên.
Theo ThS Thanh, trẻ dưới 10 tuổi mắc tật khúc xạ có khả năng phục hồi mắt bằng cách cho trẻ tập nhìn xa, xoa bóp cơ điều tiết cho mắt được nghỉ ngơi, tập tại cơ sở y tế. Sau đó, nếu mắt không thể phục hồi được mới cho đeo kính, nhưng cần lưu ý chỉ đeo kính dưới 2 điốp, không cho trẻ đeo kính có số quá nặng để điều chỉnh hình ảnh vào đúng tiêu cự của mắt. Uống thuốc bổ sung vi chất (vitamin A, C, E...) phòng thoái hoá võng mạc.
Bố trí góc học tập đủ ánh sáng, bàn và ghế đúng khoảng cách để mắt trẻ cách vở học 30-35cm. Không cho trẻ sa đà vào trò chơi điện tử, đọc truyện tranh chữ quá bé. Người trên 18 tuổi không muốn đeo kính có thể lựa chọn phẫu thuật điều trị tật khúc xạ bằng phương pháp phổ biến hiện nay là Laser Excimer. Đây là phương pháp có độ an toàn cao, tính chính xác lớn.
BS Trịnh Thị Bích Ngọc - PGĐ BV Mắt Hà Nội - cho biết: Dự án phòng, chống mù lòa cho trẻ em khu vực thành thị dưới sự tài trợ của Quỹ Fred Hollows đang triển khai tại 15 quận, huyện của Hà Nội sẽ khám và cấp kính điều chỉnh tật khúc xạ cho hàng nghìn trẻ em, đẩy lùi nguy cơ mù lòa cho lứa tuổi học đường. Tại TPHCM mới triển khai ở 6 quận, huyện. Vì vậy, nguy cơ trẻ mắc các bệnh lý về mắt vẫn rất cao do không được tư vấn chăm sóc bảo vệ mắt kịp thời.