Bệnh Glaucoma và cách điều trị
Bệnh Glaucoma và cách điều trị
Glaucom là một tình trạng bệnh lý tại mắt gây tổn thương tiến triển thị thần kinh, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tổn thương thị trường, giảm thị lực và cuối cùng là mù lòa.
Nên tiến hành kiểm tra mắt định kỳ để phát hiện bệnh.
Trong nhãn cầu bình thường luôn tồn tại một dòng chất lỏng trong suốt liên tục lưu thông nuôi dưỡng mắt, nếu vì một lý do nào đó, dòng thủy dịch này bị tắc nghẽn, ứ đọng sẽ dẫn đến tình trạng tăng nhãn áp, nếu lâu ngày sẽ đưa đến bệnh lý Glaucoma. Glaucoma vốn đặc trưng bởi sự tổn thương thị thần kinh và thị trường, hậu quả của sự tăng áp lực nội nhãn chèn ép quá sức chịu đựng của thị thần kinh. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số cơ chế khác chưa được biết đến một cách rõ ràng. Hậu quả chung của bệnh vẫn là sự thu hẹp thị trường, giảm dần thị lực và cuối cùng dẫn đến mù lòa hoàn toàn.
Phân loại bệnh Glaucoma
Có hai loại Glaucoma chính thường gặp là:
• Glaucoma góc đóng
• Glaucoma góc mở.
Glaucoma góc đóng thường gặp ở người châu Á với biểu hiện rầm rộ như: cơn tăng nhãn áp làm mờ mắt, nhìn thấy quầng xanh đỏ, đau nhức mắt lan lên nửa đầu, buồn nôn, nôn ói… đòi hỏi phải tìm gặp bác sĩ nhãn khoa ngay. Tuy nhiên, vẫn có những bệnh nhân (BN) không đau nhức hoặc chỉ mờ mắt, đau nửa đầu thoáng qua tương tự như một đợt cảm cúm thông thường. Những trường hợp này sẽ gây tổn thương thị thần kinh, gây giảm thị lực, mất thị trường như trong Glaucoma nhãn áp thấp, Glaucoma mãn.
Glaucoma góc mở lại tiến triển rất âm thầm, không triệu chứng và đa số chỉ được phát hiện tình cờ khi thăm khám. Một số BN phát hiện mờ mắt hoặc mất thị trường (phổ biến nhất là khi che một mắt, mắt còn lại chỉ nhìn thấy lờ mờ ở phần trung tâm). Phần lớn những trường hợp này đến khám với thị lực giảm, nhãn áp có thể cao hoặc không cao. Giai đoạn này bệnh đã có những tổn thương thị thần kinh nghiêm trọng và thị trường bị thu hẹp đáng kể, lớp sợi thị thần kinh giảm.
Một tình huống tương đối thường gặp là BN sử dụng các thuốc có chứa corticoid dưới nhiều dạng khác nhau như: thuốc thoa da trong điều trị một số bệnh da liễu, dạng xông hơi trong điều trị hen phế quản (suyễn) hoặc thậm chí dạng toàn thân như uống và tiêm mà không biết hoặc không được bác sĩ điều trị giải thích về khả năng mắc bệnh Glaucoma đi kèm với việc dùng thuốc này lâu ngày. Vì vậy, BN khi dùng thuốc có chứa corticoid cần hết sức thận trọng và khám mắt định kỳ 3 – 6 tháng một lần. Một số BN tự ý dùng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid trong thời gian dài trong các trường hợp viêm kết mạc dị ứng ngứa, xốn, dẫn đến mắc bệnh Glaucoma. Một số BN sau khi gặp phải chấn thương tại mắt, trải qua các phẫu thuật nội nhãn, cũng có thể xuất hiện tình trạng tăng nhãn áp thứ phát dẫn đến Glaucoma.
Một số nhóm dân số có nguy cơ mắc bệnh Glaucoma cao hơn bình thường bao gồm:
• Người trên 40 tuổi.
• BN đái tháo đường, cao huyết áp.
• Người cận thị nặng.
• Tiền căn gia đình có người mắc bệnh Glaucoma.
• BN phải điều trị với thuốc có chứa Corticoid trong thời gian dài dưới các dạng uống, thoa, xông hơi, tiêm chích.
• BN có tiền căn chấn thương mắt trước đó.
Điều trị bệnh Glaucoma
Glaucoma không chỉ gặp ở người lớn tuổi mà còn có thể xuất hiện trên cả trẻ sơ sinh, còn gọi là Glaucoma bẩm sinh. Trẻ em mắc Glaucoma bẩm sinh thường có giác mạc to (tròng đen mắt to hơn bình thường), mắt lồi, sợ ánh sáng, chảy nước mắt. Một số bạn trẻ cũng có thể mắc phải bệnh này mà không có nguyên nhân rõ ràng.
Trong trường hợp nhận thấy mình có các triệu chứng nghi ngờ Glaucoma, hoặc thuộc nhóm người có nguy cơ cao, bạn nên tiến hành kiểm tra mắt định kỳ. Trong thời gian điều trị, cần hết sức nghiêm túc tuân thủ điều trị, dùng thuốc theo toa bác sĩ chuyên khoa. Một số trường hợp BN Glaucoma góc đóng nếu phát hiện sớm sẽ được điều trị bằng Laser YAG, rất an toàn và hiệu quả, không đau đớn và chi phí thấp.
http://www.timbacsy.com
|
|