Ngày thứ năm, tuần thứ hai của tháng 10 hàng năm là ngày được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Quốc tế về phòng chống mù lòa (IAPB) chọn là Ngày Thị giác thế giới (World Sight Day), năm nay là ngày thứ năm, 11 tháng 10 năm 2018. Đây là năm thứ 16, cùng với cả thế giới, Việt Nam tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới. Với chủ đề là “ Eye Care Everywhere tạm dịch là Chăm sóc mắt cho mọi người dù ở bất kỳ nơi đâu”.
Nhằm động viên toàn xã hội tham gia vào các hoạt động chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa, với mục tiêu giúp cho tất cả mọi người sẽ biết cách tự bảo vệ, chăm sóc và tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc mắt ở bất cứ nơi nào.
Vì vậy Ngày Thị giác thế giới là sự kiện truyền thông quan trọng nhất trong chiến lược chăm sóc sức khoẻ mắt. Đây là thời gian tuyệt vời để mọi gia đình bệnh nhân về mắt tham gia với thế giới rộng lớn, mọi người có thể tìm hiểu, chia sẻ những hiểu biết về chăm sóc mắt.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuổi thọ dân số trên thế giới ngày càng tăng, thì giảm thị lực và mù từ những bệnh mạn tính cũng tăng. Khoảng 80% trong số 45 triệu người giảm thị lực trên thế giới là trên 50 tuổi. Khoảng 90% người mù và giảm thị lực thuộc các quốc gia có thu nhập thấp, nơi có dân số người cao tuổi cao, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi, tất cả họ phải đối mặt với những khó khăn để có được sự chăm sóc sức khoẻ mắt cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều bệnh liên quan đến tuổi tác dẫn đến mù lòa, như đục thủy tinh thể, glôcôm, bệnh võng mạc đái tháo đường…có thể được phòng ngừa hoặc điều trị một cách dễ dàng và ít tốn kém. Điều quan trọng là người bệnh có được sự can thiệp đúng, sớm, để có thể mang lại hiệu quả điều trị cao, giúp phục hồi tốt thị lực.
“Ngày Thị giác thế giới” là ngày có một ý nghĩa rất lớn, nó thúc dục mỗi người dù ở mọi độ tuổi, không phân biệt nghề nghiệp, mọi vị trí trong xã hội, hãy quan tâm chăm sóc sức khỏe thị giác, vì “có sáng mắt là có tất cả”.
Trên thế giới, ước có khoảng 285 triệu người bị suy giảm thị lực và mù, trong số này có khoảng 39 triệu người mù và 246 triệu người có thị lực thấp, khoảng 19 triệu trẻ em bị giảm thị lực. Trong đó 65% người có thị lực thấp thuộc nhóm tuổi trên 50, nhóm tuổi này ở nhiều quốc gia ngày càng tăng, nên có nhiều người sẽ có nguy cơ giảm thị lực liên quan tuổi. Một phần lớn người mù khoảng 90% là ở các Quốc gia đang phát triển, điều kiện chăm sóc mắt còn hạn chế. Tuy nhiên hơn 80% các nguyên nhân gây mù có thể điều trị hoặc phòng tránh được.
Vì vậy, nhầm mục đích để nâng cao nhận thức và giáo dục người dân về các vấn đề liên quan đến mù lòa và suy giảm thị lực, tầm quan trọng của mục tiêu thị giác 2020: “Quyền được nhìn thấy”, và là vấn đề sức khỏe cộng đồng quốc tế, rất cần sự chung tay giúp sức từ mọi người trong xã hội.
Các nỗ lực phòng chống mù lòa của cả thế giới trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng kể, nhất là trong 20 năm qua đã giảm được nhiều số người mù do nguyên nhân nhiễm trùng, và đã giảm tỉ lệ mù lòa toàn cầu ở người trên 50 tuổi còn dưới 2,5%.
Ở Việt Nam, hiện có khoảng 2 triệu người mù, 2/3 trong số đó không có điều kiện để điều trị hoặc không biết bệnh mình có thể chữa được. Riêng An Giang ước tính hiện có khoảng 11.000 người mù (chiếm tỷ lệ khoảng 0,5% dân số). Gần 50% trong số đó thiếu kiến thức về chăm sóc và bảo vệ mắt, không biết rằng bệnh của mình có thể chữa được, và 20% trong số người mù không có điều kiện để điều trị để phục hồi lại thị lực. Đây thực sự là con số đáng quan tâm trong công tác phòng chống mù lòa của Tỉnh.
Theo đánh giá của Tổ chức y tế thế giới(WHO) thì chiến lược phòng chống mù lòa và phục hồi thị lực là can thiệp hiệu quả kinh tế nhất trong chăm sóc sức khỏe. Do đó chúng ta rất cần quan tâm và chăm sóc sức khỏe mắt.
Các nguyên nhân gây giảm thị lực và mù hiện nay, hàng đầu vẫn là bệnh đục thuỷ tinh thể, cùng với các nguyên nhân do biến chứng về mắt của các bệnh thời đại như bệnh Đái tháo đường, Cao huyết áp..ngày càng tăng cao. Đặc biệt là “Cận thị học đường” đang trở thành mối quan tâm lo lắng của nhiều bậc phụ huynh, trở thành một vấn đề xã hội đáng báo động.
Trong kế hoạch phòng chống mù loà giai đoạn 2018-2020 của Ban Chỉ đạo phòng chống mù loà tỉnh An Giang là tập trung vào 4 nhóm nguyên nhân chính sau:
-
Đục thủy tinh thể
-
Tật Khúc xạ
-
Bệnh võng mạc đái tháo đường
-
Bệnh Glôcôm
Để thực hiện được mục tiêu của kế hoạch đề ra, nhiều năm qua Tỉnh An Giang đã không ngừng xây dựng đội ngũ thầy thuốc nhãn khoa có thể thực hiện hầu hết các kỹ thuật nhãn khoa tiên tiến hiện nay, từ những kỹ thuật đơn giản đến phức tạp. BV Mắt-TMH-RHM An Giang là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của tỉnh, đã được đầu tư nhiều trang thiết bị chẩn đoán và điều trị hiện đại như: máy sinh hiển vi, javal kế, máy siêu âm mắt A-B, máy Laser-yag, máy chụp hình đáy mắt, phẫu thuật điều trị bệnh đục thuỷ tinh thể bằng máy Phaco. Phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý như glaucoma, bệnh hoàng điểm, bệnh võng mạc đái tháo đường bằng máy chụp cắt lớp võng mạc(OCT) và máy Laser quang đông võng mạc. Bệnh viện không ngừng phát triển kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng điều trị, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bệnh nhân trong tỉnh và trong khu vực.
Nhân dịp cả thế giới kỷ niệm Ngày thị giác này, Bệnh viện Mắt – TMH – RHM An Giang phối hợp với Trung Tâm Truyền Thông Giáo Dục Sức Khỏe tỉnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng như sau:
-Tổ chức buổi Mit tinh vào ngày 11.10.2018, kỷ niệm Ngày thị giác thế giới.
-Báo cáo truyền thông hội thảo trực tuyến với chủ đề “Bệnh đục thủy tinh thể: phòng ngừa, phát hiện và xử trí hiện nay”.
-Bài viết tuyên truyền hưởng ứng Ngày thị giác thế giới đăng trên tạp chí Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh An Giang.
-Phẫu thuật điều trị bệnh đục thủy tinh thể miễn phí cho khoảng 70 bệnh nhân nghèo vùng sâu của huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang bằng phương pháp Phaco.
Nhân kỷ niệm Ngày Thị giác thế giới năm nay, chúng tôi kêu gọi mọi người, mọi tổ chức và cá nhân trong tỉnh An Giang hãy cùng tham gia vào các hoạt động phòng chống mù lòa, chăm sóc mắt cho mọi người dân bằng những hành động thiết thực của mình, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của mọi người về phòng chống mù loà, cùng Bệnh viện Mắt-TMH-RHM An Giang nói riêng và ngành Mắt Việt Nam phấn đấu thực hiện mục tiêu thị giác 2020: “Quyền được nhìn thấy”.