Mụn chắp là sự phì đại của tuyến chất nhờn ở mi mắt, gọi là tuyến Meibomian. Khi lỗ tuyến bị tắc thì sinh ra mụn chắp, không phải là nhiễm trùng hay ung thư.
Mụn chắp đôi khi rất dễ nhầm lẫn với mụn lẹo, vì đều là u ở mí mắt. Mụn lẹo thường màu đỏ, mền, đau, mọc ở gần bờ mi là do nang lông chân mi bị nhiễm trùng. Mụn chắp ở xa bờ mí hơn, là một u cứng, không đỏ, không đau.
2. Điều trị như thế nào?
Khoảng 25% mụn chắp không có triệu chứng nào và tự hết mà không cần chữa trị. Tuy nhiên khi mụn chắp bị nhiễm trùng thì sẽ đỏ, sưng và đau. Mụn chắp lớn có thể gây mờ mắt vì ấn lên nhãn cầu làm méo mó nhãn cầu gây loạn thị. Mụn chắp toàn thể gây sưng cả mí mắt.
Có thể điều trị bằng cách:
a. Đắp gạc ấm:
Gạc ấm làm thông thoát tiết chất bị tắc trong ống tuyến, do đó hết mụn chắp.
Cách làm: 1 miếng gạc sạch (hoặc khăn sạch) nhúng nước nóng, vắt khô, đắp lên mí khoảng 10-15ph, 3-4 lần trong ngày cho đến khi mụn chắp tan.
b. Tra thuốc mỡ kháng sinh: khi mụn chắp bị nhiễm khuẩn (mụn trở nên sờ nóng, đỏ, đau)
c. Tiêm cortisol: ít dùng, mục đích giảm sưng phù và đau.
d. Phẫu thuật: khi mụn chắp lớn, không đáp ứng với điều trị thông thường và làm mờ mắt thì nên đi khám bác sĩ nhãn khoa.
Thủ thuật rạch mụn chắp rất nhanh chóng và dễ dàng. Bác sĩ sẽ nhỏ thuốc tê để giảm đau, dùng dụng cụ rạch mụn chắp và nạo bỏ chất tiết bị ứ đọng trong mụn chắp.
Mụn chắp dễ điều trị tuy nhiên tuỳ cơ địa có người hay bị đi bị lại, vì vậy cần rửa mắt hàng ngày, tránh khói bụi, và nếu thấy bắt đầu xuất hiện mụn chắp thì nên đắp gạc nóng thường xuyên.