Căn bệnh này đã giảm rõ rệt nhờ tiêm chủng nhưng mới đây, Hà Giang và Điện Biên liên tiếp ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu, đã có ca tử vong.
Dịch quay lại khiến nhiều người lo ngại bởi bạch hầu là loại bệnh lây lan nhanh.
Dịch lây lan nhanh
Sau gần 20 năm không xuất hiện ca bệnh, mới đây tỉnh Hà Giang đã ghi nhận hơn 30 ca mắc bạch hầu, đã ghi nhận trường hợp tử vong.
Theo Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc, Hà Giang, ngày 24-8 địa phương ghi nhận một ca tử vong do mắc bệnh bạch hầu là V.M.D. (15 tuổi, dân tộc Mông).
Thời gian gần đây, D. không đi khỏi địa phương, cũng không tiếp xúc với người mắc bệnh, trong gia đình không ai mắc bệnh tương tự. Đây là trường hợp đầu tiên mắc bệnh bạch hầu và tử vong tại tỉnh này trong gần 20 năm qua.
Ngay sau khi ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu, Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc đã tiến hành xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, qua đó điều trị cho hơn 30 bệnh nhân nghi mắc bệnh bạch hầu, thành lập khu điều trị, cách ly tại khoa truyền nhiễm.
Các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bệnh viện Nhi trung ương đã đến hỗ trợ phòng dịch, đặc biệt là điều trị các ca bệnh nặng.
Trước đó, từ ngày 30-4 đến 21-5, tỉnh Điện Biên ghi nhận 2 trường hợp mắc bạch hầu, có 1 ca tử vong tại xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông. 2 ca mắc trong đợt dịch này yếu tố dịch tễ không rõ ràng.
Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, có thể lây lan nhanh chóng và hiện nay vẫn đang được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B.
"Trước đây khi chương trình tiêm chủng mở rộng chưa tiêm vắc xin, tỉ lệ nhiễm bệnh bạch hầu rất cao. Tại các khoa truyền nhiễm, hầu như thời điểm nào cũng có bệnh nhân bạch hầu. Sau khi đưa vào tiêm chủng vắc xin thì tỉ lệ nhiễm bệnh đã giảm thấp.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tại Tây Nguyên và gần đây nhất là một số tỉnh miền núi phía Bắc bắt đầu có ghi nhận ca bệnh trở lại. Hầu hết các địa phương này thuộc vùng sâu vùng xa, tỉ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh giảm hoặc gián đoạn dẫn đến ca bệnh tăng", ông Phu nhận định.
Theo ông Phu, do bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp, giọt bắn, vật dụng hằng ngày nên dễ lây lan, đặc biệt với những người không có miễn dịch với bệnh. Vì vậy, để phòng tránh bệnh cần chú ý khử khuẩn, đeo khẩu trang, vệ sinh sạch sẽ… Quan trọng nhất là phải tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Về nguồn lây của bệnh bạch hầu, theo ông Phu, bệnh có thể không rõ nguồn lây. "Có người mang mầm bệnh, do đã tiêm chủng nên không tiến triển nặng nhưng vẫn có khả năng lây cho người khác. Vì vậy, có trường hợp nhiễm bệnh nhưng không rõ tiếp xúc từ đâu", ông Phu nêu.
Cần làm gì khi có dịch bạch hầu?
Theo bác sĩ Bùi Thu Phương, Bệnh viện trung ương Quân đội 108, bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria gây ra. Bệnh là một trong những căn nguyên gây bệnh và tử vong hàng đầu trong thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20.
Hiện nay nhờ chương trình tiêm chủng, bệnh đã giảm rõ rệt và ít gặp hơn, tỉ lệ tử vong do đó cũng giảm nhiều.
Theo bác sĩ Phương, đường lây của bệnh qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp hoặc qua các giọt bắn nhỏ bắn ra không khí. Bệnh có thể lây gián tiếp qua đồ dùng, quần áo, thức ăn… có dính dịch tiết hô hấp của người bệnh.
Bệnh bạch hầu có thời gian ủ bệnh khoảng 2 - 5 ngày, trong thời gian này người bệnh không có biểu hiện gì. Sau đó, bệnh thường tiến triển từ từ, bệnh nhân sốt nhẹ, có các biểu hiện viêm hô hấp cấp như đau họng, chảy nước mũi. Người bệnh có thể sốt, ho, đau họng, khó nuốt…
Bệnh bạch hầu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, viêm dây thần kinh ngoại biên, viêm thận, viêm phổi, xuất huyết giảm tiểu cầu. Nghiêm trọng nhất là tử vong.
Bác sĩ Phương nhấn mạnh khi có dịch bạch hầu xuất hiện cần thực hiện tốt các biện pháp phát hiện sớm, cách ly kịp thời và điều trị triệt để. Người tiếp xúc cần được theo dõi sát trong 7 ngày, cấy dịch họng.
Người lành mang trùng nên dùng kháng sinh uống dự phòng (erythromycin) trong 10 ngày, khám lại hằng ngày. Đồng thời, khử trùng buồng bệnh, nơi ở của người bệnh.
* Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Theo các chuyên gia, tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh tốt nhất.
Người dân cần tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng: tiêm phòng lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi, 3 lần cách nhau 30 ngày. Tiêm nhắc lại lúc trẻ 18-24 tháng tuổi, 4-6 tuổi và sau mỗi 10 năm.
Việc tiêm nhắc lại đặc biệt quan trọng nếu người khỏe đi đến các khu vực thường gặp bệnh bạch hầu.
* Thiếu vắc xin phòng bệnh
Bộ Y tế cho hay hiện nhiều tỉnh thành thiếu vắc xin 5 trong 1 có thành phần ngừa bạch hầu từ tháng 2-2023 đến nay. Vì vậy với những tỉnh thành có dịch, Bộ Y tế khuyến cáo "sử dụng phương pháp chống dịch khác", đồng thời hướng dẫn địa phương liên lạc với nhà sản xuất vắc xin để mua vắc xin bằng kinh phí của tỉnh.
Với vắc xin sử dụng cho tiêm chủng mở rộng (hiện Bộ Y tế đang tổ chức mua sắm theo yêu cầu của Chính phủ, dù trước đó đã chuyển việc này về địa phương), thì khi mua được vắc xin sẽ sử dụng cho tiêm chủng mở rộng, không thể chuyển sang tiêm chủng chống dịch.
Hiện người mắc bạch hầu ghi nhận tại Hà Giang vừa qua đều là trẻ lớn và người lớn.